Brainstorming là một công cụ được sử dụng để tìm kiếm các ý kiến, ý tưởng của một nhóm người có liên quan về một chủ đề nào đó. Nó bao gồm việc thu thập, phân tích và thông qua những ý kiến có thể giải quyết những vấn đề cụ thể, cải tiến hoặc thiết lập các chiến lược mới mà tổ chức quan tâm.
Chúng ta có thể tiến hành Brainstorming trong mọi trường hợp, khi kết quả hiện tại không đạt được như kế hoạch, hay khi những giải pháp vẫn thường được sử dụng không còn đem lại hiệu quả như mong đợi.
Brainstorming được sử dụng cho họp nhóm, thông thường có 3-4 thành viên trở lên tham gia và tốt nhất những thành viên này thuộc nhiều thành phần khác nhau hay từ các bộ phận khác nhau trong tổ chức. Khi sử dụng phương pháp này cần tuân thủ nguyên tắc tập trung khuyến khích các thành viên đưa ra được càng nhiều ý tưởng càng tốt, không nên bình luận, chỉ trích hay tranh cãi trong quá trình thu thập ý kiến, ý tưởng mới.
Lợi ích
Brainstorming giúp bạn giải quyết những vấn đề có ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác nhau, từ xây dựng chiến lược đến hoạt động bán hàng, sản xuất, khách hàng. Khi sử dụng phương pháp Brainstorming, chúng ta có thể thấy được quan điểm của các thành viên khác nhau và tìm ra được giải pháp tốt nhất.
Brainstorming mang lại lợi ích cho cả tổ chức và cá nhân người tham gia, tạo điều kiện cho mọi người mở rộng tư duy, nhìn thấy được toàn cảnh vấn đề cần giải quyết chứ không chỉ
trong phạm vi cá nhân của họ.
Brainstorming có thể giúp tổ chức theo nhiều cách do:
- Các giải pháp đưa ra là kết hợp ý tưởng của tất cả các thành viên;
- Các thành viên sẵn sàng tham gia trong quá trình triển khai tiếp theo vì thấy được những giải pháp đó có sự đóng góp của chính họ;
- Nó khuyến khích các thành viên cùng làm việc, trao đổi và xem xét các ý kiến
Áp dụng
Chuẩn bị:
Xác định chủ đề và thành lập nhóm thích hợp những người có liên quan, có thể gồm những thành viên trong hoặc ngoài tổ chức. Để xác định những người liên quan, bạn nên trả lời các câu hỏi sau: Vấn đề này có ảnh hưởng chính tới đối tượng nào? Các giải pháp thực hiện sẽ tác động tới những đối tượng nào? Cá nhân nào có kiến thức, kỹ năng và năng lực để hiểu vấn đề này? Ai là người phê duyệt các giải pháp? Ai sẽ là người điều phối buổi họp Brainstorming (nên là người có hiểu biết về phương pháp Brainstorming).
Lựa chọn địa điểm phù hợp, chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết giúp cho việc chia sẻ ý kiến được thuận lợi như bảng trắng, giấy khổ lớn, thẻ thu thập ý kiến, bút, máy tính, máy chiếu, v.v.
Tiến hành họp brainstorming:
1. Thông báo chủ đề brainstorming;
2. Xác định mục tiêu, vấn đề thảo luận và kết quả cần đạt được đồng thời cung cấp những thông tin cần thiết. Cán bộ điều phối cuộc họp cần thông báo để mọi thành viên tham gia
hiểu rõ vấn đề mà họ phải giải quyết;
3. Dành một khoảng thời gian để các thành viên suy nghĩ và viết ý kiến, ý tưởng của cá nhân lên thẻ ghi ý tưởng;
4. Thu thập ý tưởng: Cán bộ điều phối cần khuyến khích thành viên tham gia đưa ra ý tưởng, ý kiến cá nhân một cách độc lập và nên yêu cầu mỗi cá nhân đóng góp ít nhất 2 ý tưởng. Trong quá trình này, khi cần có thể làm rõ thêm về ý tưởng của cá nhân nhưng phải tránh việc chỉ trích hoặc tranh cãi;
5. Phân loại và nhóm những ý tưởng giống nhau lại theo nhóm và thảo luận để tìm ra những giải pháp cần thực hiện.