Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công nhận: Thúc đẩy hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu
TS. Vũ Văn Diện – Hội KH&KT về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam
Cùng với tiêu chuẩn hóa, đo lường và đánh giá sự phù hợp nói chung, công nhận là một phần cấu thành chính của Hạ tầng chất lượng quốc gia. Việc phát triển hoạt động tiêu chuẩn hóa, đo lường, công nhận và đánh giá sự phù hợp, được hỗ trợ bởi các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau đa phương, có tác động tích cực đến thương mại toàn cầu. Trong phạm vi bài viết này xin điểm qua vai trò chính của hoạt động công nhận và nêu một số vấn đề cần xem xét đối với hoạt động công nhận ở nước ta hiện nay, để hoạt động công nhận và đánh giá sự phù hợp nói chung có được hiệu lực, hiệu quả cao hơn, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế của nước ta trong giai đoạn tới.
Theo TCVN ISO 17000:2020, Công nhận là việc ”xác nhận sự phù hợp của bên thứ ba liên quan đến tổ chức đánh giá sự phù hợp, truyền tải việc chứng tỏ một cách chính thức năng lực, tính khách quan và việc thực hiện nhất quán các hoạt động đánh giá sự phù hợp cụ thể của tổ chức đánh giá sự phù hợp đó”.
Đánh giá sự phù hợp bao gồm các hoạt động được xác định, nhưng không giới hạn, là hoạt động thử nghiệm, giám định, xác nhận giá trị sử dụng/thẩm định, kiểm tra xác nhận/thẩm tra, chứng nhận và công nhận. Ở đây ta thấy, chính hoạt động công nhận cũng thuộc hoạt động đánh giá sự phù hợp. Nhưng khi đề cập đến tổ chức đánh giá sự phù hợp thì có sự phân biệt là tổ chức công nhận và tổ chức đánh giá sự phù hợp. Tổ chức đánh giá sự phù hợp là tổ chức thực hiện các hoạt động đánh giá sự phù hợp nêu ở trên, nhưng trừ hoạt động công nhận. Hình 1 giới thiệu Sơ đồ hoạt động công nhận và các hoạt động đánh giá sự phù hợp khác.

Hình 1- Sơ đồ hoạt động công nhận và các hoạt động đánh giá sự phù hợp khác (Nguồn ISO/CASCO)
Ở Việt Nam, hoạt động công nhận ngày càng được chú trọng và mở rộng các phạm vi và đối tượng hoạt động. Hoạt động công nhận được quy định lần đầu trong Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa năm 1990. Khi đó đề cập chủ yếu đến công nhận phòng thử nghiệm chất lượng hàng hoá. Mười (10) năm sau, trong Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa sửa đổi năm 1999, hoạt động công nhận bao gồm việc công nhận phòng thử nghiệm chất lượng hàng hoá, tổ chức giám định chất lượng hàng hoá, tổ chức chứng nhận chất lượng hàng hoá, tổ chức chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng. Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006 quy định hoạt động công nhận được tiến hành đối với phòng thử nghiệm, phòng hiệu chuẩn, tổ chức chứng nhận sự phù hợp; tổ chức giám định. Hiện nay, chúng ta đang tiến hành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật này và sẽ có những quy định cụ thể chi tiết hơn.
Thực tế hiện nay, các tổ chức công nhận ở nước ta đã thực hiện công nhận phòng thử nghiệm, hiệu chuẩn và xét nghiệm y tế; tổ chức giám định; tổ chức chứng nhận; tổ chức xác nhận giá trị sử dụng/thẩm định, kiểm tra xác nhận/thẩm tra; tổ chức thử nghiệm thành thạo; tổ chức sản xuất chất chuẩn.
Về tổ chức, năm 1995 tổ chức công nhận đầu tiên của Việt Nam là Văn phòng Công nhận chất lượng (BoA) trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, nay là Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (STAMEQ) được thành lập. Từ tháng 7/2009, Văn phòng Công nhận chất lượng là tổ chức sự nghiệp trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Hiện nay, Việt Nam có 03 tổ chức công nhận, gồm Văn phòng Công nhận chất lượng (BoA) trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Công nhận năng lực đánh giá sự phù hợp về tiêu chuẩn chất lượng (AOSC) trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thành lập 2014, Viện Công nhận chất lượng Việt Nam (VACI) thành lập 2019 trực thuộc Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam.
Hiện nay, các tổ chức công nhận đã công nhận cho hàng nghìn tổ chức đánh giá sự phù hợp trong nước, bao gồm các phòng thử nghiệm, tổ chức giám định, tổ chức chứng nhận, tổ chức cung cấp thử nghiệm thành thạo và tổ chức sản xuất mẫu chuẩn góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp trong nước, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và cũng như thuận lợi hóa thương mại
Lợi ích của hoạt động công nhận rất rõ ràng. Có thể nói, hoạt động công nhận thúc đẩy thương mại trên phạm vi toàn cầu. Công nhận giúp gia tăng giá trị chuỗi cung ứng toàn cầu; công nhận mang đến một thế giới an toàn hơn; … và nhiều hơn thế nữa.
Chuỗi cung ứng hiện nay phức tạp hơn đáng kể về tốc độ, quy mô, chiều sâu và phạm vi tương tác toàn cầu. Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải hoạt động trong nhiều môi trường pháp lý khác nhau. Các doanh nghiệp phải tìm cách tối ưu hóa chi phí trong khi vẫn phải duy trì tính linh hoạt. Hoạt động mua sắm thường chiếm một tỷ trọng rất lớn, do đó, bất kỳ sự gián đoạn nào cũng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận, danh tiếng thương hiệu và lòng trung thành của khách hàng. Khi sự đổi mới tăng tốc và vòng đời của sản phẩm bị rút ngắn, thị trường trở nên khó lường hơn và gây áp lực ngày càng lớn lên chuỗi cung ứng. Việc lựa chọn hiệu quả các nhà cung cấp bền vững không chỉ xét về mặt ổn định tài chính, mà còn về trách nhiệm xã hội và các hoạt động đạo đức khác của doanh nghiệp.
Công nhận xác định năng lực kỹ thuật, tính liêm chính và tính công bằng của các tổ chức đánh giá sự phù hợp. Công nhận, được thực hiện theo các tiêu chuẩn được đồng thuận quốc tế, mang lại giá trị cho chuỗi cung ứng khi các doanh nghiệp tìm cách tối đa hóa giá trị và đáp ứng các điều khoản hợp đồng, đồng thời duy trì mức độ tin cậy rằng sản phẩm đáp ứng các thông số kỹ thuật và an toàn khi sử dụng.
Công nhận đóng vai trò quan trọng trong việc giảm chi phí thương mại và kinh doanh, tăng cường chuyển giao công nghệ và tăng cường đầu tư. Nó cũng cho phép các doanh nghiệp hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, vì họ có thể chứng minh chất lượng sản phẩm, hàng hóa thông qua một "ngôn ngữ kỹ thuật" chung cần thiết để thiết lập lòng tin giữa các đối tác kinh doanh. Một báo cáo do Ban Nghiên cứu và Thống kê Kinh tế của Tổ chức Thương mại Thế giới lập ra đã nêu rằng, có 10% các quan ngại thương mại cụ thể là về việc sử dụng đánh giá sự phù hợp không thích hợp. Công nhận cung cấp cơ hội để giải quyết những vấn đề này.
Hệ thống công nhận toàn cầu được chia thành hai cấp: cấp khu vực và cấp toàn cầu. Hình 2 giới thiệu Mạng lưới công nhận cấp khu vực (EA, ARAC, APAC, SADCA, AFRAC và IAAC) và Hình 3 giới thiệu Mạng lưới công nhận cấp toàn cầu (ILAC và IAF) (Nguồn: ILAC-IAF).
 |
|
 |
Hình 2- Mạng lưới công nhận cấp khu vực (Nguồn: ILAC-IAF).
|
|
Hình 3-Mạng lưới công nhận cấp toàn cầu (Nguồn: ILAC-IAF).
|
Công nhận hỗ trợ chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua sự thừa nhận quốc tế. Các tổ chức công nhận được thành lập để đảm bảo rằng, các tổ chức đánh giá sự phù hợp chịu sự giám sát của một tổ chức có năng lực. Các tổ chức công nhận được quốc tế thừa nhận, được đánh giá đồng đẳng là có năng lực, ký kết các thỏa thuận quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho việc chấp nhận các sản phẩm và dịch vụ xuyên biên giới, do đó tạo ra một hạ tầng toàn cầu để hỗ trợ thương mại, các quy trình phê duyệt thông quan và sự tin tưởng vào chuỗi cung ứng. Những thỏa thuận được quản lý bởi IAF trong các lĩnh vực công nhận các tổ chức chứng nhận và ILAC trong các lĩnh vực công nhận phòng thí nghiệm và tổ chức giám định, bao gồm các nền kinh tế chiếm 96% GDP toàn cầu (Nguồn: Diễn đàn Kinh tế Thế giới). Hệ thống này giúp đảm bảo công việc do các tổ chức công nhận thực hiện được nhất quán trên phạm vi toàn cầu và đảm bảo duy trì sự tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, các sản phẩm và dịch vụ đã được thử nghiệm, giám định hoặc chứng nhận một lần dưới sự bảo trợ của IAF và ILAC có thể được chấp nhận ở mọi nơi với sự tin tưởng như nhau.
Công nhận ngày càng được tăng cường thừa nhận trong các hiệp định, thỏa thuận khu vực và các cơ quan quản lý. Theo IAF và ILAC, trong những năm gần đây, có một xu hướng ngày càng tăng hướng tới việc thừa nhận nhiều hơn về hoạt động công nhận và chấp nhận các thỏa thuận của chính phủ và các cơ quan quản lý. Ví dụ, các Hiệp định thương mại gần đây của Liên minh Châu Âu (EU) được ký kết với Nhật Bản, Canada, Thụy Sĩ và Tunisia đã viện dẫn việc sử dụng đánh giá sự phù hợp được công nhận để đảm bảo thương mại tự do được hài hòa. Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) vận hành một Hệ thống quản lý thị trường duy nhất tham chiếu đến hoạt động công nhận như một công cụ thiết yếu để thực hiện hệ thống quản lý và được sử dụng trong tất cả các quy chuẩn để đảm bảo năng lực của các tổ chức được thông báo. Tổ chức hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) xác nhận sự công nhận để hỗ trợ trong phần đánh giá sự phù hợp của các thỏa thuận APEC. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đưa sự công nhận vào MRA theo ngành của ASEAN đối với thiết bị điện và điện tử như một phương tiện để chứng minh các yêu cầu đã quy định được đáp ứng. Việc sử dụng công nhận cũng được thừa nhận ở các khu vực khác. Sự chấp nhận rộng rãi về công nhận của các tổ chức khu vực và các cơ quan quản lý trong các quốc gia cũng giúp các thành viên WTO hoàn thành trách nhiệm của mình theo Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại và Hiệp định về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật.
Để hoạt động công nhận ở nước ta có hiệu lực và mang lại hiệu quả cao hơn, nhất là trong bối cảnh nước ta tham gia ngày một sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, chúng ta nên có những giải pháp hữu hiệu liên quan đến hoạt động công nhận như sau:
- Thứ nhất, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa hiện nay, cũng như trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật hướng dẫn thực hiện hai Luật sau này, cần bổ sung làm rõ, chi tiết hơn các loại hình đánh giá sự phù hợp, làm sao để hiểu và thực hiện thống nhất, không bỏ sót trong tất cả các ngành, lĩnh vực liên quan. Đồng thời, bổ sung các quy định khuyến khích tăng cường chất lượng hoạt động công nhận, thúc đẩy các tổ chức công nhận tham gia các thỏa thuận thừa nhận về công nhận khu vực và quốc tế.
- Thứ hai, cần thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp thống nhất trong các bộ, ngành, lĩnh vực theo quy định. Hệ thống các tổ chức công nhận và các tổ chức đánh giá sự phù hợp cần là thể thống nhất, hoạt động trên cơ sở pháp luật chung, phù hợp với các tiêu chuẩn và các quy định quốc gia, quốc tế liên quan. Tăng cường chấp nhận/thừa nhận kết quả đánh giá công nhận của các tổ chức công nhận ở trong nước và đặc biệt đối với các trường hợp đã tham gia các thỏa thuận thừa nhận về công nhận khu vực và quốc tế. Ưu tiên sử dụng các kết quả đánh giá sự phù hợp của các tổ chức đánh giá sự phù hợp được công nhận theo quy định. Ở trên đã nêu rất rõ vai trò và lợi ích của hoạt động công nhận. Nếu không thực hiện tốt việc này, chúng ta không giúp ích được cho doanh nghiệp phát triển hoạt động, thúc đẩy thương mại, cản trở sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
- Thứ ba, để hoạt động công nhận đạt hiệu quả cao, được thừa nhận trên phạm vi khu vực và toàn cầu, tổ chức công nhận cần tham gia tích cực vào các hoạt động tại các Tổ chức Công nhận quốc tế và khu vực như Tổ chức công nhận Châu Á – Thái Bình Dương (APAC), Tổ chức Công nhận các phòng thí nghiệm quốc tế (ILAC) và Diễn đàn công nhận quốc tế (IAF). Đồng thời là thành viên ký thỏa ước thừa nhận lẫn nhau MRA của APAC và ILAC cho chương trình công nhận, là thành viên ký thỏa ước thừa nhận lẫn nhau MLA của PAC và IAF cho chương trình công nhận của mình.
- Thứ tư, đối với các tổ chức đánh giá sự phù hợp, cần có giải pháp nâng cao chất lượng và độ tin cậy của hoạt động, một trong các giải pháp là khuyến khích các tổ chức đánh giá sự phù hợp đăng ký được công nhận theo các tiêu chuẩn quốc gia/ quốc tế tương ứng và tuân thủ nghiêm chỉnh các yêu cầu của các tiêu chuẩn đó.
- Thứ năm, đối với doanh nghiệp khi lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp để đánh giá sản phẩm, dịch vụ, hệ thống quản lý,… của mình, cần cân nhắc nhiều yếu tố, trong đó bao gồm cả việc tổ chức đánh giá sự phù hợp đó có được công nhận hay không. Khi lựa chọn một tổ chức đánh giá sự phù hợp được công nhận, cũng nên cân nhắc đến phạm vi công nhận có bao gồm tiêu chuẩn hoặc chương trình mà bạn quan tâm không? tiêu chuẩn hoặc chương trình đó có nằm trong IAF MLA không và tổ chức đánh giá sự phù hợp được công nhận bởi bên ký kết IAF MLA có được công nhận cho tiêu chuẩn hoặc chương trình đó không?...
- Trên đây chỉ là một số giải pháp, không loại trừ và chắc còn có những giải pháp khác giúp cho hoạt động công nhận nói riêng và đánh giá sự phù hợp nói chung phát triển theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, giúp ích nhiều hơn trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế của nước ta trong giai đoạn tới./.
Bình luận