0976.389.199
Chiến lược của ISO đến năm 2030

Chiến lược của ISO đến năm 2030

Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO), được thành lập tại London vào năm 1946, đang định hình chiến lược phát triển của mình sau năm 2020 và hướng tới năm 2030.

Việc hoạch định chiến lược phát triển cho 10 năm tới là  dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển các tiêu chuẩn quốc tế đồng thuận, lấy người dùng làm trung tâm, dẫn dắt thị trường để hỗ trợ vượt qua những thách thức toàn cầu mà các thành viên ISO phải đối mặt. Công nghệ đột phá, mối đe dọa của chủ nghĩa bảo hộ, yêu cầu quản trị tốt hơn và biến đổi khí hậu là một số động lực bên ngoài định hình nền kinh tế thế giới trong những năm tới và điều đó phải được phản ánh trong chiến lược của ISO sau năm 2020. Các nước thành viên ISO cần dự đoán nhu cầu và thách thức của thị trường và phân tích đâu là tiêu chuẩn có thể và nên có tác động trong tương lai.

Bên cạnh đó, 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) đã thừa nhận rằng việc xóa đói giảm nghèo phải đi đôi với các chiến lược cải thiện sức khỏe và giáo dục, giảm bất bình đẳng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vấn đề này có sự liên quan hữu cơ với nhu cầu tăng cường và nâng cao năng lực tiêu chuẩn hóa của các nước đang phát triển thông qua việc xác định nhu cầu của họ và đề xuất các hành động cụ thể về kỹ thuật và đào tạo để xây dựng và thực hiện các chương trình hỗ trợ trong khuôn khổ hoạt động của Ban các nước đang phát triển (DEVCO) của ISO. Việc này cũng giúp nâng cao giá trị thực tế của tiêu chuẩn quốc tế ISO xuất phát từ tầm nhìn về một tiêu chuẩn quốc tế được sử dụng ở mọi nơi.

Hiểu được bối cảnh mà ISO hoạt động là điều cần thiết để xác định các ưu tiên của ISO. Điều này bao gồm việc xác định các động lực thay đổi bên ngoài và đánh giá tác động của chúng đối với hoạt động của ISO. Bốn động lực hàng đầu của sự thay đổi là các lĩnh vực mà tiêu chuẩn hóa quốc tế có sự tác động và mức độ liên quan nhiều nhất trong vai trò của ISO trong thập kỷ tới là kinh tế, công nghệ, xã hội và môi trường. Tất cả các động lực này đều có liên kết chặt chẽ với nhau và sự gián đoạn hoặc khủng hoảng trên quy mô lớn có thể ảnh hưởng đến nhiều động lực  cùng một lúc. Sự thay đổi có cả rủi ro và cơ hội. Hiểu được sự thay đổi này xảy ra như thế nào bằng cách theo dõi bốn động lực này sẽ cho phép ISO dự đoán và ứng phó với tác động biến đổi tiềm năng của chúng đối với hệ thống ISO để đảm bảo sự phù hợp trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi.

Bốn yếu tố chính sẽ tác động đến chiến lược phát triển của ISO trong những năm tới được nêu bật và thảo luận tại kỳ họp Đại hội đồng ISO bao gồm: Sự không chắc chắn về kinh tế và thương mại, Sự thay đổi kỳ vọng của xã hội, Tác động của biến đổi khí hậu và Sự chuyển đổi kỹ thuật số. Việc định hướng chiến lược của ISO, do vậy đã được dựa trên nhận thức chung là “Nếu không có các tiêu chuẩn phù hợp, sẽ không thể giải quyết được các thách thức khác nhau ở phạm vi toàn cầu và cấp quốc gia. Tiêu chuẩn hóa cung cấp các công cụ để đạt được sự phát triển bền vững, để chống lại các mối đe dọa trước mắt do biến đổi khí hậu gây ra và ngoài những thứ khác, đảm bảo bình đẳng giới và chăm sóc sức khỏe tối ưu”. 

Bốn xu hướng kết hơp với nhau, bao gồm: Sự không chắc chắn về kinh tế và thương mại, sự thay đổi kỳ vọng của xã hội, tính cấp thiết của sự bền vững và sự chuyển đổi số tạo nên các động lực đột phá sẽ định hình chiến lược đến năm 2030 của ISO.

Chúng ta đang hoạt động trong một thế giới nơi mà sự thay đổi là không đổi và ở đó những thách thức và sự gián đoạn có thể ở quy mô toàn cầu. Để có vị trí tốt trong bối cảnh toàn cầu này, ISO phải có một chiến lược rõ ràng và linh hoạt xác định mục đích và những gì muốn đạt được, đồng thời cho phép dự đoán sự thay đổi và thích ứng nhanh chóng với thế giới xung quanh.

Với quan điểm tiếp cận này, Chiến lược ISO 2021-2030 đề ra Tầm nhìn (tại sao cần làm những gì đang làm), Sứ mệnh (những gì cần làm và cách làm điều đó), Mục tiêu (những gì cần đạt được để thực hiện sứ mệnh và tầm nhìn của mình) và Các ưu tiên (nơi cần tập trung nguồn lực để biến các ưu tiên này thành hiện thực) của ISO trong những năm tới. Các ưu tiên này được thiết kế để thường xuyên được xem xét và điều chỉnh khi cần thiết, nhằm đáp ứng với bất kỳ thay đổi nào ở môi trường bên ngoài.

ISO đã xác định năm 2030 là một cột mốc quan trọng để phản ánh sự tiến bộ và để đánh giá công việc cơ bản của mình. Khung thời gian này phù hợp với Chương trình nghị sự toàn cầu đầy tham vọng của Liên hợp quốc cho năm 2030, như được nêu trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững, sẽ đòi hỏi nỗ lực hợp tác quốc tế để trở thành hiện thực. ISO được xây dựng dựa trên triết lý hợp tác và tin rằng tiêu chuẩn hóa đóng một vai trò quan trọng trong việc biến thế giới của chúng ta thành một thế giới bền vững.

Chiến lược ISO 2030 đã xác định tầm nhìn của mình là “làm cho cuộc sống dễ dàng hơn, an toàn hơn và tốt hơn” với sứ mệnh chính là “tập hợp mọi người lại với nhau để thống nhất các Tiêu chuẩn quốc tế thông qua các thành viên và các bên liên quan của họ nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu”. Mục tiêu chiến lược chính của ISO đến 2030 là:

  • Các tiêu chuẩn ISO được sử dụng ở khắp mọi nơi;
  • Đáp ứng nhu cầu toàn cầu, và
  • Mọi ý kiến đều được lắng nghe 

Để hiện thực hóa được tầm nhìn đã đặt ra, các tiêu chuẩn ISO phải được sử dụng rộng rãi. ISO cần đảm bảo rằng các tiêu chuẩn của mình có chất lượng cao, dễ dàng tiếp cận và sử dụng được và mọi người hiểu được những lợi ích mà chúng mang lại. Các tiêu chuẩn ISO phải được xây dựng dựa trên sự đồng thuận phù hợp và đáp ứng các thách thức hiện tại và tương lai trên toàn cầu, đồng thời hệ thống của ISO phải thúc đẩy sự đa dạng và tính bao trùm. ISO cần đảm bảo thu hút và giữ chân các chuyên gia tốt nhất và cho phép mọi người tham gia, phải lắng nghe tất cả các ý kiến khác nhau trong việc xây dựng các tiêu chuẩn và khi đưa ra quyết định với tư cách là một tổ chức.

Các ưu tiên của ISO trong chiến lược đến 2030 tập trung vào:

  • Chứng minh lợi ích của tiêu chuẩn ISO;
  • Đổi mới để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng tiêu chuẩn;
  • Cung cấp các tiêu chuẩn ISO khi thị trường cần chúng;
  • Nắm bắt các cơ hội trong tương lai cho tiêu chuẩn hóa quốc tế;
  • Tăng cường sức mạnh cho các thành viên ISO thông qua nâng cao năng lực; 
  • Nâng cao tính bao trùm và đa dạng trong hệ thống ISO.

Đối với từng ưu tiên nói trên, chiến lược ISO 2030 đã đưa ra các công bố về cơ hội, cách ISO nắm bắt các cơ hội này như thế nào và cách thức đo lường sự tiến bộ trong việc thực hiện.

Chiến lược ISO đến 2030 có thể được tóm tắt trong bảng tổng hợp dưới đây:

 

Động lực của sự thay đổi

 

Kinh tế: Thương mại và sự không chắc chắn

 

Công nghệ: Tác động của chuyển đổi số

 

Xã hội: Thay đổi kỳ vọng và hành vi

 

Môi trường:

Tính cấp thiết của sự bền vững

Tầm nhìn của ISO

Làm cho cuộc sống dễ dàng hơn, an toàn hơn và tốt hơn





 

Kế hoạch thực hiện Bao gồm các chương trình, dự án cụ thể và các thước đo thành công để theo dõi tiến độ



 

Sứ mệnh của ISO

Thông qua các thành viên ISO và các bên liên quan của họ, ISO tập hợp mọi người lại với nhau để thống nhất các Tiêu chuẩn quốc tế nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu. Các tiêu chuẩn ISO hỗ trợ thương mại toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm và công bằng, thúc đẩy đổi mới và nâng cao sức khỏe và an toàn để đạt được một tương lai bền vững

Mục tiêu của ISO

Tiêu chuẩn ISO được sử dung ở khắp nơi

Đáp ứng nhu cầu toàn cầu

Tất cả các ý kiến đều được lắng nghe



 

Ưu tiên của ISO

+ Chứng minh lợi ích của tiêu chuẩn ISO 

 

+ Đổi mới để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng tiêu chuẩn

+ Cung cấp các tiêu chuẩn ISO khi thị trường cần chúng

 

+ Nắm bắt các cơ hội trong tương lai cho tiêu chuẩn hóa quốc tế

+ Tăng cường các thành viên ISO thông qua nâng cao năng lực

+ Nâng cao tính bao trùm và đa dạng trong hệ thống ISO

Nguồn: Báo Chất lượng và Cuộc sống

Ngày cập nhật: 0000-00-00 00:00:00

Bài viết liên quan